Đăng Ký Học
Ngày 17/05/2024 09:24:07, lượt xem: 3977
A. ĐỌC VĂN BẢN
Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc:
1. Theo dõi: Bạn hiểu thế nào về từ “òa thức”?
Trả lời:
- Òa thức là một động từ được tác giả sử dụng khéo léo, gợi khung cảnh con người và thiên nhiên tỉnh dậy sau những ngày đông giá rét, chào đón một mùa xuân thật vui tươi và ấm áp.
2. Suy luận: Cõi lá đã làm nổi bật nét đặc trưng gì của cảnh sắc Hà Nội?
Trả lời:
Thông qua những mẩu chuyện nhỏ về cảnh vật, về con người và nét văn hóa của riêng Hà Nội đã được Đỗ Phấn thủ thỉ nhẹ nhàng qua từng tảng viết. Cõi lá đã làm nổi bật nét đặc trưng mùa lá rụng của Hà Nội khi thiên nhiên thay đổi tiết trời giao mùa từ đông sang xuân đồng thời thể hiện tình yêu thương, nỗi nhớ nhung về vẻ đẹp của mảnh đất Hà Nội xưa.
B. SAU KHI ĐỌC
Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu 1: Xác định bố cục của văn bản và cho biết bố cục ấy đã thể hiện đặc điểm nào của thể loại.
Trả lời:
- Bố cục: 3 phần
+ Phần 1: Từ đầu đến “xôn xao lá cành”: cảm xúc vỡ òa khi bất ngờ nhận ra mùa xuân đã tơi
+ Phần 2: Tiếp theo đến “quyến rũ từng bước chân người”: Nét đặc trưng cảnh sắc Hà Nội khi giao mùa
+ Phần 3: Còn lại: Niềm rung cảm khi đi trong “cõi lá mùa xuân thành phố”
=> Từ bố cục văn bản trên đã thể hiện đặc điểm cơ bản của thể loại tản văn: Không hoàn toàn theo mạch tự sự, luôn có sự kết hợp với mạch cảm xúc; tự sự và trữ tình hòa quyện.
Câu 2: Bạn hiểu như thế nào là “cõi lá”? Qua “cõi lá” ấy, tác giả đã phát hiện ra điều gì về mối liên hệ giữa cây, lá với con người?
Trả lời:
- Cõi lá: là xứ sở của lá, thế giới của lá. Tác giả miêu tả “cõi lá” với nhiều tầng bậc ý nghĩa:
+ Vẻ đẹp thiên nhiên: Lá cây bồ đề như khoảng trời trong veo, ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng, lá của những cây sấu cổ thụ, bằng lăng, lá bàng đỏ chói, lá xà cừ xanh chen lẫn vàng… tất cả làm nên những nét đặc trưng, quyến rũ của cảnh sắc Hà Nội.
+ “Cõi lá” cũng là “cõi người”, cõi “nhân sinh”. Ẩn hiện trong lá là gương mặt người “Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá”, là tình yêu của người Hà Nội “Những người Hà Nội chẳng có việc gì cũng vòng xe qua quãng phố đông mà chật chội… này chỉ để ngắm nhìn chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng”...
Thế giới cây, lá và con người hòa quyện trong nhau, nương tựa vào nhau, làm nên một thực thể sống, cùng sinh tồn.
ĐỌC THÊM: SOẠN VĂN 11 BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO | “CHIỀU XUÂN” - ANH THƠ (BÀI 1: THÔNG ĐIỆP TỪ THIÊN NHIÊN)
Câu 3: Phân tích một vài đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình/ nghị luận hoặc miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người và làm rõ tác dụng của sự kết hợp ấy trong văn bản.
Trả lời:
- Đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình/nghị luận: “Nhìn chung thì vòng đời của một chiếc lá bồ đề dù được mọc ra ở Hà Nội hay ở nơi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp cũng chỉ kéo dài không đến một năm… chộn rộn áo cơm này”.
→ Tác dụng: Sự kết hợp ấy khiến cho đoạn văn trở nên sinh động, hài hòa, gần gũi. Tác giả đã kể, bàn bạc về một vòng đời của lá. Vòng đời đó kéo dài từ thu sang đông, vòng đời đó khiến con người nhớ nhung và chờ đợi.
- Đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình/ nghị luận miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người:
+ “Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu… thiên thần bước ra từ lá”
+ Miên man trong cõi lá mùa xuân thành phố, gương mặt ai ai cũng như có phần trẻ lại. Hay tự nhận rằng mình như thế
→ Kết hợp miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người khiến bức tranh thiên nhiên sống động, có hồn. Thiên nhiên trở nên gần gũi với con người, hòa quyện với con người.
Câu 4: Qua việc đọc tản văn “Cõi lá”, bạn hãy nêu một số lưu ý khi đọc hiểu các văn bản thuộc thể loại này.
Trả lời:
- Một số lưu ý khi đọc hiểu các văn bản tản văn thuộc thể loại này là:
+ Nội dung được miêu tả có ý nghĩa như thế nào? Nhận biết những tình cảm, suy nghĩ của tác giả bộc lộ trong quá trình miêu tả
+ Khả năng quan sát, xâu chuỗi các sự việc, hiện tượng nhỏ nhặt, rời rạc để hướng tới thể hiện chủ đề tác phẩm
+ Cách nhìn, cách cảm về thế giới, con người giàu tính sáng tạo và thẩm mĩ
+ Ngôn ngữ của tản văn giàu sức gợi, chất thơ
+ Yếu tố tự sự và trữ tình luôn đan xen, hòa quyện; các chi tiết, sự kiện được miêu tả vừa đậm chất suy tư, vừa bay bổng, lãng mạn.
Câu 5: Xác định chủ đề, đánh giá ý nghĩa thông điệp của văn bản.
Trả lời:
- Chủ đề của văn bản: Cảm xúc của tác giả về cảnh sắc thiên nhiên Hà Nội gắn với từng mùa cây thay lá trong hiện tại và kí ức.
- Ý nghĩa thông điệp của văn bản:
+ Sự sống của con người luôn gắn bó hữu cơ với thiên nhiên
+ Thiên nhiên không chỉ làm đẹp cảnh quan mà con giúp tâm hôn con người thêm phong phú, cân bằng, tươi mới
+ Nhắc nhở mỗi chúng ta phải có ý thức bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên.
Câu 6: Chỉ ra một vài biểu hiện của nét đẹp văn hóa được thể hiện trong văn bản.
Trả lời:
Một vài biểu hiện của nét đẹp văn hóa được thể hiện trong văn bản là:
- Con người sống gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên. Họ dõi theo thiên nhiên, nắm được quy luật thay lá của mỗi loài cây. Từng loại cây, lá lại mang tới nét vẻ riêng cho cảnh sắc Hà Nội.
- Thiên nhiên làm cuộc sống con người thêm tươi đẹp, trữ tình, lãng mạn. Người Hà Nội thích dạo chơi, ngắm nhìn mỗi loại lá khi chuyển mùa, vui sướng đi trong miên man “cõi lá”
- Thiên nhiên là nơi lưu giữ kí ức đẹp đẽ về quê hương. Tổ quốc, khiến con người thêm yêu Tổ quốc, quê hương mình.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan